by Bruce Lee in
TQDN

3KTTA – Lỗ Túc đã thể hiện tầm nhìn chiến lược không kém Gia Cát Lượng, và đặt nền móng xây dựng liên minh Tôn – Lưu. Nhưng khi Lỗ Túc đưa Lượng đến Giang Đông, người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa đều biết, sân khấu hoàn toàn do Khổng Minh độc diễn. Sự thật liệu có phải thế?

Giỏi hiểu lòng người

Năm đó, trên con thuyền nhỏ xuôi về Giang Nam, ôm mong muốn liên minh Tôn – Lưu đại phá Tào Tháo không phải chỉ có một người.

Ấy vậy mà hậu thế ngàn năm sau chỉ còn nhớ đến cái tên Gia Cát Lượng. Quả thật Khổng Minh đã thành công trong việc nâng một Lưu Bị đang bị truy cùng đuổi tận lên ngang hàng Tôn Quyền nắm giữ sáu quận để thành lập liên minh Tôn – Lưu. Nhưng nếu Tôn Quyền không muốn đánh Tào thì sao có thể có liên minh ấy được? Và người thuyết phục Tôn Quyền quyết tâm chống lại đại quân hùng mạnh của Tào Tháo trong khi đám đại thần đều khuyên hàng chính là Lỗ Túc, người đã ngồi cùng thuyền với Khổng Minh.

Khi tất cả đều đang khuyên Quyền hàng Tào thì Tử Kính đã nhìn thấy được tâm sự của chủ công mình. Cho nên bằng sự khôn khéo của mình, Túc không đứng ra biện bác giữa chúng đại thần mà tìm cơ hội nói riêng. Lỗ Túc phân rõ lợi hại rằng nếu thần tử như Túc mà hàng ắt sẽ được Tào Tháo trọng thưởng, còn kẻ làm chủ như Tôn Quyền, sao có thể thoát khỏi cảnh bị đưa về Hứa Đô, chịu sự quản thúc như Hiến Đế? Đây là những phân tích trọng điểm nhất giữa được và mất của Tôn Quyền khi hàng Tào. “Bọn Túc này đều có thể hàng Tào, riêng Chúa công không thể”, chỉ dựa vào một câu này, đủ thấy cái tài của Tử Kính.

La Quán Trung muốn làm nổi bật Khổng Minh đã để sau khi gặp mặt Khổng Minh, Trương Chiêu cùng các đại thần khác lại yết kiến khiến Quyền do dự, vậy là Ngô quốc thái biết chuyện mới khuyên Quyền hỏi Chu Du.

Đọc Tam Quốc Chí, ta mới biết sự thật vốn khác: người khuyên Quyền gọi Chu Du về cũng lại là Lỗ Túc. Sau khi phân tích nặng nhẹ cho Tôn Quyền, Lỗ Túc đã đề ra giải pháp khiến Quyền không phải khó xử chính là gọi Chu Du, một người có danh tiếng, trung thành và thuộc trường phái chủ chiến về giúp Quyền. Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng truyện cũng viết, sau khi nghe Gia Cát Lượng du thuyết: “Quyền rất hài lòng, lập tức phái Chu Du-Trình Phổ-Lỗ Túc nắm ba vạn thủy quân, theo Lượng đến gặp Tiên chủ, cùng hợp sức cự Tào công” [1]. Nghĩa là lúc này, Chu Du đã được Quyền gọi về, hay nói cách khác, Tôn Quyền đã quyết ý kháng Tào từ trước khi nghe Gia Cát Lượng du thuyết.

Đến đây lại gặp phải một điều lạ là, Lỗ Túc tài trí như thế, sao có thể bị gạt cho mượn Kinh Châu được? Đằng sau đó, rốt cuộc là câu chuyện như thế nào? La Quán Trung còn hư cấu thêm những gì nữa?

Chiến lược và ngoại giao

Giải mã thời Tam quốc: Lỗ Túc - Chiến lược gia kiêm thuyết khách ảnh 1

Bản đồ các thế lực ở Kinh Châu sau Xích Bích

Sau trận chiến Xích Bích, Kinh Châu bị ba thế lực Tôn – Tào – Lưu xâu xé thành từng phần. Quân Tào giữ phía bắc Giang Hạ đến Tương Dương, Phàn Thành. Trong khi đó quân Ngô nắm Giang Lăng, Nam Quận kéo dài đến tận Di Lăng và Giang Hạ. Còn Lưu Bị chiếm từ Công An xuống bốn quận Vũ Lăng, Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng. Kinh Châu vì sao lại quan trọng như vậy? Vì sao chiến lược mưu thiên hạ của Khổng Minh, Lỗ Túc đều nhấn mạnh việc đoạt lấy Kinh Châu?

Câu trả lời là Kinh Châu ngoài là cửa ngõ vào Trường Giang của Đông Ngô còn là cửa ngõ vào Tây Thục, và cửa ngõ quan trọng ấy – không quá khó để nhận ra – chính là Giang Lăng. Ở kì 5 người viết có đề cập rằng khi Lưu Bị thua trận đã bỏ chạy về Hạ Khẩu. Nhưng Tào Tháo dụng binh thần tốc đến Lỗ Túc cũng không kịp ứng biến thì làm sao Lưu Bị có thể chạy thoát? Đó là bởi Tháo phải tiến về Giang Lăng. Đó cũng là lí do vì sao Chu Du phải đoạt cho bằng được Giang Lăng sau chiến thắng Xích Bích.

Bởi vì cục diện Kinh Châu như thế, Tôn – Lưu rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Lưu Bị muốn vào Tây Thục buộc phải đi qua Giang Lăng còn Chu Du muốn đánh Thục thì sợ Bị chèn đường về.

Nhiều người sẽ thắc mắc là vì sao một Lưu Bị nhỏ bé có thể lấy được Tây Thục còn Đông Ngô lại sợ? Rất đơn giản, Lưu Bị lấy Thục không hoàn toàn dựa vào chinh phạt mà còn dựa vào chính trị. Lưu Bị mượn tiếng giúp Lưu Chương chống Trương Lỗ đã ở đất Thục hai năm, rất được lòng người, lại có đám người Trương Tùng, Pháp Chính hỗ trợ mới có thể thành công. Chu Du muốn lấy Thục tất nhiên không thể dùng chiêu bài của Bị, chỉ có thể cứng rắn cướp lấy, nhưng Thục nổi tiếng hiểm trở, viễn chinh xa xôi, vận lương bất lợi là đại kị của binh gia. Điểm này Chu Du cũng hiểu rõ. Cuối cùng Chu Du không thể tây tiến, mà Lưu Bị cũng bị giam lại không có lối ra. Về lâu về dài, tất nhiên Đông Ngô có thể nuốt Lưu Bị để rộng đường vào Thục, nhưng đến lúc đó, kẻ hưởng lợi nhất chắc chắn là Tào Tháo. Xích Bích vừa thua thì mùa xuân năm sau, Tào Tháo đã thao luyện thủy quân, mùa thu đóng quân ở Hợp Phì, như hổ rình mồi.

Lúc này, Lỗ Túc một lần nữa chứng minh sự nhìn xa trông rộng và nhạy bén của mình. Ông đã đề xuất một ý tưởng táo bạo mà khó có ai tưởng tượng được: Cho mượn Giang Lăng. Đây chính là nguồn gốc của điển tích Lỗ Túc cho mượn Kinh Châu trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Thực tế Đông Ngô chỉ cho mượn Giang Lăng thì tràng cục hai bên ghìm nhau liền được hóa giải. Nhường Lưu Bị giữ Giang Lăng vừa chia bớt cái gánh nặng phòng thủ Tào Tháo mặt Kinh Châu, Đông Ngô vừa có thể toàn lực phòng thủ Hợp Phì, ổn định quốc gia.

Mặt khác, Lưu Bị luôn là cái gai trong lòng Tháo, Lưu Bị phát triển càng mạnh sẽ khiến Tháo càng phải dè chừng. Quả nhiên khi Tào Tháo nghe tin Tôn Quyền cho mượn Giang Lăng liền đánh rơi bút xuống chân.

Nhờ vào tầm nhìn chiến lược và tài thuyết khách của mình, Lỗ Túc đã thuyết phục được Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn Kinh Châu (Giang Lăng), quyết định cục diện Tam Quốc phân tranh sau này. Nhưng khi Lỗ Túc còn sống, Đông Ngô không thể đòi lại Kinh Châu mà phải đợi đến thời của Lã Mông mới thực hiện được. Vậy phải chăng Lỗ Túc không có năng lực đòi lại Kinh Châu?

Chú thích và tham khảo: [1] Tam Quốc Chí –Gia Cát Lượng truyện (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).

Related Posts

No Comments

Leave a Reply