Mười tám lộ quân mã chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng khí không thắng nổi Lã Bố mà chỉ một nàng Điêu Thuyền lại thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy sóng mắt nụ cười làm gươm sắc dáo nhọn, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược cơ mưu! Xem thế thì cái bản lĩnh của “nữ tướng quân” quả là tuyệt cao cường đáng sợ lắm thay! Và ta nên khen tư đồ Vương Doãn rằng:
“Tư đồ diệu kế cao thiên hạ,
“Chỉ dụng mỹ nhân bất dụng binh.
Tây Thi với Điêu Thuyền cùng lấy sắc khuynh thành. Nhưng việc làm của Tây Thi còn dễ, việc của Điêu Thuyền khó hơn. Tây Thi chỉ phải đánh ngã một mình Ngô vương Phù Sai. Điêu Thuyền phải đồng thời đánh ngã cả Lã Bố lẫn Đổng Trác. Phải luôn luôn nghĩ mưu kế trong lòng, thay đổi bộ mặt để đối phó với cả hai bên. Ta nghĩ rằng cái công của Điêu Thuyền đáng được ghi vào sử xanh. Nếu như khi Đổng Trác đã bị giết rồi, Vương Doãn không vụng về mà gây ra cái loạn Lý Thôi, Quách Tỵ thì cơ đồ nhà Hán đã phục hưng ngay từ đó. Và như thế thì một cô gái như Điêu Thuyền há lại không đáng được ghi tên vào nơi Phượng các, không đáng được tô tượng ở chỗ Lân đài hay sao?
Sự việc hồi này trình bày khéo ở chỗ: sau khi Đổng Trác mắng Lã Bố, lại hối hận mà gọi vào thưởng cho vàng lụa để an ủi. Nếu không có thế, ắt Bố đã giết Trác trước khi chạm trán ở Phượng Nghi đình kia. Lúc Đổng Trác cầm kích lao theo Lã Bố ở dưới đình Phượng Nghi, Lã Bố đã gạt rớt cây kích xuống đất, sao Bố không dừng lại vớ lấy kích giết Trác, mà lại bỏ chạy vội ra khỏi vườn? Có lẽ cũng vì cái ơn “cho vàng” kia còn hiệu lực trong lòng Lã Bố vậy. Và cái tuyệt diệu của kế “liên hoàn” không phải là làm cho Lã Bố giết Đổng Trác đâu! Nếu Trác cầm kích lao trúng, giết chết Lã Bố lúc bấy giờ, tức là Trác tự chặt một cánh tay, và Trác sẽ bị tiêu diệt dễ dàng ngay. Đó mới là chủ ý. Điều này đã nằm trong bụng Vương Doãn và có lẽ Điêu Thuyền cũng muốn thế. Vương Doãn lẽ nào lại yêu Lã Bố? Mà Điêu Thuyền cũng không yêu Lã Bố đâu. Riêng ta, ta yêu nàng Tây Tử thật lòng trở về với Phạm Lãi, và yêu nàng Điêu Thuyền giả vờ sống thác với Lã Bố. Bởi vì tuy thân đứng trước mặt Lã Bố, nhưng lòng Điêu Thuyền bao giờ cũng chỉ nghĩ đến một mình Vương Doãn mà thôi.
Có một điều đáng buồn là: ngày nay có người bảo rằng “Điêu Thuyền về sau bị Quan Công chém”. Thử hỏi: nàng có tội gì mà chém? Nàng còn đáng được gia phong tước phẩm để thưởng công nữa là khác. Mà có ai biết nàng đã chết tại đâu? Sau khi thành Hạ Bì thất thủ, Lã Bố bị chết, đâu còn thấy bóng dáng nàng ở chỗ nào? Nàng chính là con rồng thiêng, chỉ lộ cái đầu, cái mình với đời, mà không cho đời sau biết cái đuôi mình ẩn đi đâu hết! Có thế danh tiếng mới khỏi bị tổn thương…
(Lời bình của Mao Tôn Cương trong Thánh Thán Ngoại Thư)