Hoặc hỏi rằng: Vân Trường vốn thờ nhà Hán, thì sao còn nói “hàng Hán”?
Xin thưa: Nói ra hai tiếng “hàng Hán” chỉ là vì ba tiếng “chẳng hàng Tào”. Chữ trên bổ nghĩa cho chữ dưới mà thôi vậy. Tháo đã mượn một tiếng “Hán” để lừa dối lung lạc thiên hạ, thì Vân Trường cũng đưa ra một tiếng “Hán” để áp đảo Tháo đấy thôi.
Như bọn Trương Tú, Trương Lỗ, Hàn Toại thì tiếng là Hán, mà thực là hàng Tào. Bọn Lã Bố, Viên Thuật thì không hàng Tào nhưng cũng không hàng Hán. Đến như bọn Hoa Hâm, Vương Lãng, Quách Gia, Trình Dục, Trương Liêu, Hứa Chử… thì không biết có Hán mà chỉ biết có Tào. Còn Tuân Húc, Tuân Du thì cho rằng: “Hán tức là Tào; Tào tức là Hán” mà không hiểu rõ rằng Hán ắt không phải là Tào, Tào ắt không phải là Hán. Hán là Hán, Tào là Tào. Biết phân biệt hẳn hai bên minh bạch như thế, Vân Trường quả là người có mười phần học vấn, mười phần kiến thức. Nếu không phải là người thuộc kỹ “nghĩa Xuân Thu”, thì không biết thấu đáo, không biết phân biệt như thế vậy.
Trước khi Vân Trường đưa ra ba điều hẹn, Trương Liêu đã kể ra ba cái tội. Đó là lối dẫn khởi. Trong ba tội của Vân Trường mà Liêu kể, thì tội thứ nhất là tội phụ hoàng thúc, tội thứ hai là để hai chị thất hãm, tội thứ ba là không sống để khuông phò nhà Hán. Ba điều hẹn của Quan Công thì thứ nhất là “về với Hán”, thứ hai là bảo vệ hai chị, thứ ba là đi tìm anh. Điều hẹn thứ nhất phân biệt rõ phận vua tôi, điều hai nghiêm giữ lễ nam nữ, điều ba làm sáng rõ nghĩa huynh đệ.
Nhưng Trương Liêu kể tội thứ nhất (không phò vua) làm tội thứ ba, và Tào Tháo đã chịu nhận điều thứ nhất của Quan Công, không lấy làm khó khăn gì. Tháo chỉ coi điều thứ ba (Vân Trường theo anh) là khó, mà không hiểu rõ ý nghĩa của điều thứ ba. Tháo nói “Hán tức là ta”. Đó quả là lời kẻ gian hùng dối người. Nhưng Quan Công lại lấy Lưu hoàng thúc làm Hán chứ không lấy Tào Tháo làm Hán. Đã nói: “Về với Hán, chẳng về với Tào” rồi quả nhiên sau này về được với Hán (Lưu Huyền Đức) chẳng chịu ở với Tào vậy.
Lưu Bị đồng mưu với Đổng Thừa, và đã nghiễm nhiên ký tên vào tờ nghĩa trạng. Tháo nhìn rõ ràng tên Bị trong số bảy cái tên! Tháo đã giết Đổng quý phi là em gái Đổng Thừa, giết cả năm nhà bảy trăm người, mà chỉ riêng Cam, My hai phu nhân, Tháo không giết. Đã không giết lại còn lấy lễ trọng đãi là thế nào?
Thưa rằng: Đó không phải là Tháo yêu Lưu Bị đâu. Tháo cố quên trả thù Bị, chỉ là vì yêu Quan Công, muốn mua lòng để dùng làm tay chân mình đấy thôi. Như thế, Tháo không giết hai vợ của Bị, là vì Quan Vũ vậy.
Xem việc Vân Trường cầm đuốc suốt đêm tới sáng vì Tào Tháo muốn làm cho trên dưới trong ngoài lộn bậy, loạn lễ vua tôi, mới biết Tháo ác tâm thái quá! Tháo sợ Huyền Đức, thù Huyền Đức nên muốn gây việc ấy để làm nhục Huyền Đức. Tháo đã yêu Quan Công, mà còn muốn đem việc ấy thử Quan Công, thì Tháo gian hùng như quỷ dữ cáo già!
Quan Công được tặng áo bào, chỉ việc nhận lấy, nhưng được ngựa lại vái lạy tạ ơn. Nhất cử nhất động đều không quên anh cả. Sao mà ân nghĩa quang minh như thế! Ở đời không cái gì vui thích bằng cái mới. Người đời nay phần nhiều đều ham mới bỏ cũ. Đọc bài thơ “Ngã hành kỳ dã”, ngâm thiên “Tập tập cốc phong” khiến người thức giả càng khen phục Quan Vân Trường vậy.
Huyền Đức đã theo Viên Thiệu, thì tướng của Thiệu cũng là tướng của Huyền Đức. Quan Công giết tướng của Thiệu cũng như giết tướng của Huyền Đức. Giả sử, vì Nhan Lương bị chém mà Thiệu giết Huyền Đức thì có khác gì chính Quan Công đã giết anh?
Tuy nhiên, đó không phải lỗi Quan Công: Thiệu tuy có ước hẹn với Bị: “Nếu có việc bất như ý, cứ tới với nhau”, nhưng Quan Công lại nghĩ rằng: Lần thứ nhất Huyền Đức gửi thư cầu cứu, Thiệu tuy có khởi binh mà chẳng đánh chác gì; lần thứ hai gửi thư cầu cứu, Thiệu chẳng chịu phát binh nữa, thì còn trông cậy vào thiệu sao được? Vì thế, khi ở bên Tào, Quan Công chắc gì Huyền Đức đã chạy sang với Thiệu! Mà có chạy sang chắc gì Thiệu đã dung nạp? Quân tế tác của Tháo dù có biết Huyền Đức ở bên Thiệu, nhưng gian hùng như Tháo mà đã bưng bít đi, thì Quan Công làm sao biết được tin ấy?
Vả lại Quan Công nói: “Ta sẽ lập công báo ơn Tào, để ra đi” thì giết tướng họ Viên, tức là tìm đường về với Lưu đấy. Tháo muốn mượn việc này mà tuyệt đường không cho Quan Công về với anh, không ngờ Quan Công lại mượn việc này để thỏa lòng mong mỏi với Lưu. Vì thế, không thể đổ lỗi cho Quan Công.
Tháo hậu đãi Vân Trường, Thiệu cũng hậu đãi Huyền Đức. Nhưng Tháo thì một niềm ân cần thủy chung không đổi lòng. Thiệu thì bỗng chốc vồn vã trọng đãi, lễ nghi kiểu cách, bỗng chốc lại giận dữ căm ghét, muốn đem giết đi. Xét một cái việc “lấy lòng nhân tài” này, cũng thấy Tào, Viên người hơn kẻ kém rõ rệt vậy.